Hiện nay, đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan sinh sống thành làng bản, tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và xen kẽ ở các xã: Quảng Lạc, Văn Phương, Yên Quang, Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Sơn. Do đặc điểm địa lý, người Mường sống xen kẽ với đồng bào Kinh và dưới sự tác động giao thoa giữa đời sống hiện đại nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mường gần đây gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, huyện Nho Quan đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa Mường. Theo đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc. Cùng với đó huyện tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa Mường tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể. Để bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường, hàng năm vào các dịp lễ hội, Tết cổ truyền, các địa phương đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Trong các lễ hội, các địa phương đã tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu… Đặc biệt, hàng năm huyện Nho Quan đều tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng từ thôn bản đến huyện thu hút một lượng lớn đồng bào đến tham gia, cổ động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước tại các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, qua đó tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Kỳ Phú là một trong những địa phương có nhiều hoạt động trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đồng chí Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Xã Kỳ Phú có 82% dân số là người dân tộc Mường đang sinh sống. Nhiều năm trước đây, do điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn nên việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc không được đồng bào chú trọng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ con em người dân tộc Mường hiện nay không ý thức được hết tầm quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình nên việc lưu truyền, sử dụng những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, vai trò già làng, trưởng bản, các luật tục cộng đồng cũng bị phai mờ trong đời sống sinh hoạt... Với mong muốn lưu giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào Mường, trong nhiều năm, xã đã tích cực triển khai các giải pháp, trong đó coi trọng vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản và toàn thể cán bộ, công chức trong toàn xã. Tại các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tại các khu dân cư đều tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa Mường để qua đó, những người già, các vị trưởng bản có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc Mường qua tiếng nói, trang phục, cách sử dụng các vật dụng như cồng chiêng... Xã Kỳ Phú cũng đã thành lập CLB bảo tồn và lưu giữ văn hóa dân tộc Mường tại bản Ao Lươn; tổ văn nghệ do Công đoàn xã thành lập, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Mường tham gia.
Những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, hiện nay trong các lễ hội, tết cổ truyền đồng bào Mường ở Kỳ Phú đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại. Các đội cồng, chiêng không chỉ giữ lại “hồn cốt” cho bản làng mà còn mang “hồn cốt” đó đi tham gia trong các chương trình hội diễn của huyện, của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả cao. “Để đạt được kết quả đó là cả quá trình vận động và tuyên truyền cho đồng bào hiểu và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình để văn hóa Mường cũng như tiếng cồng, chiêng không bị mai một theo thời gian”- đồng chí Vũ Đình Lâm nhấn mạnh.
Cũng như Kỳ Phú, các địa phương ở Nho Quan có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để gìn giữ các nét đẹp văn hóa Mường. Tuy vậy, hiện các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong bảo tồn và khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đồng chí Vũ Đình Lâm cho rằng: Các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất cho các địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Mường, bởi thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, đồng bào mới có dịp khôi phục lại những tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ngoài ra cũng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, khôi phục lại các lễ hội của đồng bào, qua các hoạt động văn hóa văn nghệ đồng bào mới ý thức hết được tầm quan trọng và nét hay, nét đẹp của dân tộc mình. Riêng đối với Kỳ Phú, chúng tôi rất mong mỏi được cấp trên quan tâm đầu tư cho xã 1 nhà trưng bày hiện vật Mường được kiến trúc theo kiểu nhà sàn để địa phương có điều kiện lưu giữ cũng như phát huy các giá trị văn hóa Mường.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Nho Quan không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vì vậy, những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Mường ở Nho Quan cũng cần được các cấp, ngành chức năng xem xét, giải quyết.
Theo baoninhbinh.org.vn